Phải là người Á châu
Nét tâm sự sau khi VFF chính thức chia tay Philippe Troussier tối 26/03
Tôi còn chẳng thể tiếp tục xem và ủng hộ đội tuyển bóng đá nước nhà kể từ phút thứ 19 của trận tối qua với Indo. Tỷ số lúc này là 1-0 nghiêng về đội bạn. Việt Nam bị dẫn bàn là chuyện quá bình thường và nó là thể thao. Nhưng tại sao lúc này, chính tôi và đa phần người hâm mộ bóng đá Việt Nam lại cảm thấy đội nhà đã cầm chắc một thất bại như thế.
Nguồn ảnh: Anh Phú - Huy Mạnh
“HLV đến rồi đi, chỉ có đội tuyển còn mãi”.
Dũng Chíp đã phát biểu như vậy sau trận đấu. Đúng vậy, cảm xúc ấy đến với người hâm mộ chúng ta không phải là mất niềm tin vào ĐTQG, mà là mất niềm tin vào cách làm việc của HLV Troussier.
Ông Philippe Troussier đã chính thức bị VFF sa thải, vậy nên tôi xin phép tạm gác nói chuyện về ông trong phần đầu, chúng ta quan tâm Đội tuyển trước nhé. Công bằng mà nói, nhiều người cho rằng chất lượng cầu thủ của ĐTQG hiện tại đang đi xuống, và đúng như vậy thật.
Họ mất đi cái tinh thần chiến đấu quả cảm của thời trẻ
Họ phải lo lắng nhiều hơn cho cái gọi là sự nghiệp cầu thủ, thay vì “cống hiến” bóng đá như trước đây
Và họ bắt đầu quan tâm nhiều vấn đề “bên ngoài” bóng đá hơn trước
Chắc chắn rồi, đó là lẽ tất yếu - nhưng điều đó xảy ra với nền bóng đá của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Một Brazil hùng mạnh cũng đã từng thua ĐT Đức 1-7 tại World Cup 2014, thật xót xa biết bao. Vậy cớ sao chúng ta, tại một quốc gia với nền bóng đá luôn chỉ là đóm sáng nhỏ nhoi của Đông Nam Á lại đòi hỏi rằng luôn luôn có những thế hệ kế cận đáp ứng đủ chuyên môn như lứa cầu thủ thời kỳ hoàng kim đã làm, hay mong đợi lứa cầu thủ cũ phải giữ được phong độ sáng chói một thời gian dài.
Thực ra người hâm mộ như chúng ta hoàn toàn có quyền đòi hỏi chứ, nhưng đòi hỏi không nên đi kèm với phán xét hay công kích thưa quý anh chị và các bạn. Nếu chúng ta lấy tuổi đời sự nghiệp các cầu thủ ở những giải bóng đá hàng đầu để so sánh với tuổi đời sự nghiệp của cầu thủ nước nhà như Quang Hải, Hùng Dũng, Hoàng Đức, hay Công Phượng,… thì thật sự bất công cho họ. Liệu họ có thực sự mất đi tinh thần cống hiến, hay chỉ vì họ bắt buộc phải cống hiến cho nhiều thứ hơn như gia đình, tài chính và cuộc sống riêng chẳng hạn.
Việc tuổi đời bóng đá của cầu thủ không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực cá nhân của họ đâu, nó chịu tác động rất lớn từ Liên đoàn, từ những nhà hoạch định bóng đá vĩ mô và cả kinh tế xã hội nữa, nói một cách khác - nó là vấn đề quốc gia. Dù muốn hay không, chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng, toàn bộ nền thể thao Việt Nam chứ không riêng gì bộ môn bóng đá, tuyển trẻ của chúng ta luôn luôn có tiềm năng rất lớn, chỉ tiếc rằng sau đó …
Bởi vậy, tôi tin rằng chúng ta vẫn luôn luôn nên tin tưởng vào đội tuyển, và sự phát triển của tương lai thay vì chỉ trích các cầu thủ hay Liên đoàn lúc này. Sẽ sớm có một ông Park thứ hai tới và giúp bóng đá Việt Nam tiếp tục vực dậy và thành công.
Nguồn ảnh: Đức Đồng
Bầu Đức và câu chuyện HLV Châu Á
“Tôi không kể công, nhưng năm 2017, khi tôi còn là phó chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, tiêu chí chọn HLV cho đội tuyển được đặt ra phải là người châu Á, vì họ phù hợp với văn hoá lẫn môi trường bóng đá của chúng ta. Do đó, chúng tôi mới tìm đến Nhật Bản và sau đó là Hàn Quốc với HLV Park Hang-seo.”
Bầu Đức đã chia sẻ lại như vậy. Tin tôi đi, bầu Đức chắc chắn là người yêu bóng đá Việt Nam nhất mà anh chị từng được biết tới. Quả không sai với nhận định đó, ông đưa HLV Park Hang-seo về dẫn dắt đội tuyển, và phần sau đó là lịch sử.
Tôi xem được một clip thú vị trên TikTok tối ngày hôm qua, và nội dung clip là tuyệt đối chính xác để diễn đạt nhưng suy nghĩ của tôi khi so sánh tư tưởng huấn luyện của Thầy Park và HLV Troussier. Mọi người hãy cùng xem với tôi tại đây
Cho phép tôi biểu đạt lại cảm xúc của tôi khi đội tuyển Việt Nam bị dẫn trước trong mọi trận đấu dưới thời thầy Park:
- Yên tâm, phút 65-68 thầy Park sẽ tung Văn Toàn vào và chúng ta sẽ lấy lại thế trận ngay lập tức.
- Sao phải vội, lối chơi của ông Park là như vậy và các cầu thủ vẫn đang cố gắng.
- Quang Hải phải dự bị trận này là phù hợp, rõ ràng là như vậy. Đó có thể là tính toán chiến thuật của ông Park. Hãy kiên nhẫn!
Thực sự, điều khác biệt rất lớn mà Thầy Park đã mang lại cho đội tuyển, cho bóng đá Việt Nam và cho người hâm mộ không chỉ có sự thành công đâu, đó là tư tưởng trùng khớp, nó là suy nghĩ Á Đông và tôn trọng từ người hâm mộ tới cầu thủ, từ đoàn trợ lý HLV cho đến những cô lao công làm việc tại sân. Có câu chuyện mà tôi từng may mắn được trực tiếp chứng kiến chứ không phải là chuyện kể lại, thầy Park gọi điện trực tiếp cho cầu thủ PVĐ - mắng yêu cậu ấy bằng thứ tiếng Việt bập bẹ mà ông buộc phải học để giao tiếp với các cầu thủ:
- Sao con về quê mà không báo, có quà cho mẹ con?
- Con có chào anh Tiến trước khi về?
Tôi xin phép không kể chuyện này dài hơn vì nó là chuyện tế nhị. Nhưng điều này làm cho tôi cảm nhận rất rõ ràng về lý do tại sao toàn bộ cầu thủ trong đội tuyển có được tinh thần thi đấu quật cường, đoàn kết và cống hiến như vậy, bất kể là có phong độ kém tới đâu.
Còn đối với HLV Troussier, ông thực sự đã phủi bỏ toàn bộ tính kế thừa của bóng đá Việt Nam kể từ khi nhận nhiệm vụ. Thời điểm hay tin VFF bổ nhiệm ông, chính bản thân tôi tin rằng một HLV người Pháp, với cái chất bóng đá Âu châu sẽ đem đến những điều tươi mới tích cực cho đội tuyển. Rồi 1 trận thua, 2 trận thua,… tôi vẫn nhìn nhận vài điểm sáng trong chiến thuật của ông và nghĩ thầm: “Ai cũng cần thời gian để thích nghi mà”. Nhưng sau đó thì hoàn toàn thất vọng, tới bây giờ là 10 trận thất bại trong tổng số 11 trận thi đấu gần nhất. Cái cách ông và đội ngũ của mình vì tìm cách thoát khỏi chỉ trích của truyền thông mà sa thải người trợ lý ngôn ngữ từng làm việc hết sức ăn ý với ông trước đó - anh Hoàng Bách. Thật không diễn tả nổi !
Bởi vậy, tôi nghĩ rằng VFF chính thức chia tay với HLV Troussier lúc này có phần vẫn hơi muộn. Nhưng dù sao, họ cũng đã làm vậy để hướng tới tương lai tốt hơn cho ĐTQG.
Có người nói, thầy Park đã thật khéo léo khi ra đi đúng thời điểm mà đội ngũ và các cầu thủ hoàn toàn xuống phong độ - không còn đủ năng lực thi đấu. Rằng ông đã ra đi để tránh những sự thất bại tệ hại. Tuy nhiên theo tôi, hãy công bằng và nghĩ tới giai đoạn đầu tiên khi ông Park dẫn dắt, đội tuyển khi ấy cũng chẳng khá hơn lúc này là bao, và ông vẫn nỗ lực hết sức. Suy cho cùng, thành công được như những gì HLV Park Hang-seo đã đem lại cho bóng đá nước nhà đã là điều vô cùng đáng trân trọng.
Và chắc chắn rồi, tôi nghĩ mãi về sau thì bóng đá Việt Nam cũng sẽ tiến lên, nhưng thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào một vị HLV Á Châu, chắc chắn là vậy.
Bài post để giải toả nỗi lòng mà tôi nghĩ về bóng đá Việt Nam sau trận thua đáng buồn tối qua và hệ luỵ của nó. Hình như CĐV trên khán đài còn tác động vật lý nặng nề với nhau. Post chia sẻ trong Series bàn chuyện phiếm của tôi trên Minute có tên 12:00 - 12 giờ Trưa. Tới giờ ăn trưa rồi, đừng bỏ bữa nhé.
Trân trọng chào Quý anh chị và các bạn. Chúc mọi người bữa trưa vui vẻ!